Phụ huynh hợp tác với giáo viên

Con cái học giỏi là điều mong muốn của bất kỳ người làm cha làm mẹ nào. Người xưa đã từng truyền kinh nghiệm: “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Bạn thử nghiên cứu những lời khuyên sau đây trong vấn đề giáo dục con cái!

1. Giáo viên luôn mong muốn cha mẹ có điều kiện giảng bài thêm cho con cái.

Bạn hãy đối chiếu bài ghi của con cái trong vở và bài giảng hay bài đọc thêm trong sách giáo khoa bạn sẽ thấy nếu chỉ chăm chăm học thuộc lòng bài ghi trong vở, kiến thức sẽ bị thiếu hụt và khi làm bài kiểm tra sẽ không được điểm tối đa. Vai trò của cha mẹ là động viên các cháu đọc và hiểu bài trong sách, càng chi tiết càng tốt, sao cho các em có thể chứng minh được vấn đề theo cách học và hiểu bài, mà không phải là học vẹt.

2. Đừng bao giờ phê bình giáo viên trước mặt con cái.

Tất nhiên, đôi lúc bạn cũng có những bất bình với bài vở của con hay cách giảng bài của giáo viên. Nhưng bạn hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc, không nên nói lên những nhận xét bực mình của mình cho con nghe. Thậm chí, nếu bạn có chia sẻ với một phụ huynh khác, bạn cũng không nên nói trước mặt con. Nếu con trẻ thấy cha mẹ không bằng lòng với thầy cô giáo, chúng sẽ không bao giờ biết cố gắng. Đôi khi chúng còn tỏ vẻ chán chường hoặc coi thường nữa đấy! Cách tốt nhất là bạn nên đối thoại thẳng thắn với cô giáo, thậm chí với cả ban giám hiệu nếu thấy cần thiết.

3. Cần cho giáo viên biết chút ít về hoàn cảnh gia đình.

Những lời khai trong lý lịch trích ngang của học sinh rất quan trọng đối với giáo viên. Một người giáo viên có trách nhiệm luôn tìm hiểu rõ gia cảnh của học sinh. Biến cố gia đình ít nhiều đều có ảnh hưởng đến việc học của các em, từ việc mẹ có thêm em bé cho đến những việc lớn hơn như bố mẹ ly dị hay gia đình lâm vào cảnh túng quẫn…

Hiện tượng các em bỏ nhà đi hay bỏ học đều do những biến cố xảy ra trong gia đình. Giáo viên biết rõ gia cảnh của học sinh sẽ có cách đối xử thích hợp, ngay cả với những học sinh đã lớn, biết suy nghĩ độc lập. Đây không chỉ là mối quan tâm giữa thầy trò mà còn là quan hệ xã hội để cảm thông và chia sẻ.

4. Những buổi sinh hoạt dã ngoại do thầy cô giáo tổ chức rất cần thiết.

Học sinh cần mở mang kiến thức mọi lúc, mọi nơi, nhất là những kiến thức áp dụng từ lý thuyết vào thực tiễn. Những kiến thức về môi trường xung quanh, thiên nhiên, vạn vật… càng nhiều thì càng phát triển khả năng tư duy, quan sát, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ… Mỗi khi con cái có dịp đi dã ngoại đâu đó, bạn hãy gợi cho con kể lại chuyến du ngoạn, nếu có thể được khuyến khích chúng ghi nhật ký hay vẽ tranh những điều mà chúng đã gặp, đã quan sát.

5. Tùy theo khả năng của con, phụ huynh không nên đặt kỳ vọng cao quá.

Tham vọng của cha mẹ là điều tốt nếu nó đúng với năng lực của con cái. Tuy nhiên, đó sẽ là áp lực rất lớn nếu con cái không có khả năng. Chúng sẽ bị stress liên tục và sẽ học kém dần. Hãy bàn bạc với giáo viên phương cách tốt nhất giúp đỡ con mình. Ví dụ như ngồi cạnh bạn nào để học tốt, trò chơi nào ở nhà thích hợp với bản tính của con, cần bổ sung kiến thức gì, học thêm môn gì…

6. Hãy hợp tác với giáo viên là điều cần thiết có lợi cho cả đôi bên.

Tâm sự với giáo viên về sở trường, sở đoản của con mình. Một năm học trôi qua rất nhanh, có thể năm sau các em không còn học với thầy cô giáo đó nữa, nhưng mỗi quan hệ tốt giữa phụ huynh và nhà trường sẽ giúp các em hứng thú trong việc học và luôn biết tôn trọng thầy cô giáo.

Cơ sở 1: 028.3844.3719

Cơ sở 2: 028.3811.0318

Cơ sở 3: 028.3636.9674

    LIÊN HỆ NGAY