|
||
Sau khi tốt nghiệp trường Y, bà làm việc tại bệnh viện tâm thần của trường đại học Roma với tư cách là thành viên nghiên cứu, quan tâm đặc biệt tới những trẻ em chậm phát triển về trí tuệ. Khi khám bệnh cho những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ bà luôn có những suy nghĩ làm sao để có thể giúp được chúng, liệu tác động vào giác quan có thể giúp trí tuệ chúng thay đổi hay không…Và khác với nhiều người, khi quan sát đứa trẻ cầm một vật trên tay rồi đưa vào miệng, bà nghĩ rằng chúng đang tìm hiểu đối tượng bằng giác quan chứ không phải là bản năng tìm đồ ăn đơn thuần của động vật. Thông qua những quan sát tinh tế, sự nghiên cứu miệt mài về hoạt động của trẻ cùng với tình yêu thương, sự tôn trọng bà dành cho trẻ, bà đã khiến những đứa trẻ chậm phát triển được đưa vào cùng những bệnh nhân tâm thần không những đã biết đọc, biết viết mà còn vượt qua các bài thi như đứa trẻ bình thường. Từ kết quả trên, bà đã kì vọng một sự đột phá trên đứa trẻ bình thường theo phương pháp bà đã thực nghiệm thành công trên trẻ chậm phát triển.
Để trang bị kiến thức cho việc giáo dục trẻ bình thường, bà nhập học vào viện triết học Rome để học các môn triết học, tâm lý học… Năm 1907, bà Montessori đã thành lập « Ngôi nhà của trẻ » đầu tiên tại San Lorenzo. Ở đây, bà đã sống cùng 60 đứa trẻ nghèo khổ, thiếu sự quan tâm của gia đình do cha mẹ của chúng bị cuốn theo xu hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa lúc bấy giờ và không có thời gian dạy dỗ con cái. Năm 1907 là mốc son lịch sử đánh dấu thời điểm bà vận dụng phương pháp thực nghiệm thành công trên trẻ chậm phát triển lên trẻ bình thường. Sự thay đổi của những đứa trẻ trong khu nhà ổ chuột đã tạo tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều người trong đó có cả Nữ hoàng Margherita của tỉnh Savoy, Pháp. Còn tài năng của Montessori thì khiến nhà đại phát minh Edison khâm phục và ngưỡng mộ. Ba năm liên tiếp 1949, 1950, 1951, bà được đề cử cho giải Nobel hòa bình. Năm 1950, tại Đại hội của Tổ chức văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc được tổ chức tại thành phố Florence của Italia, bà được tôn vinh là biểu tượng của giáo dục thế giới và hòa bình. Tháng 5 năm 1952, bà qua đời tại Hà Lan, hưởng thọ 82 tuổi. |
Lớp học Montessori là một môi trường đặc biệt vừa đảm bảo sự nghiêm túc, kỉ luật vừa đảm bảo sự tự do, hào hứng ở tất cả các trẻ. Môi trường đặc biệt này được xác định bởi hai yếu tố trọng tâm là giáo cụ Montessori và giáo viên đã được đào tạo về phương pháp Montessori. Trong lớp học Montessori, các giáo cụ được giáo viên sắp xếp vào 5 góc hoạt động: góc sinh hoạt (hay góc luyện tập các kĩ năng sinh hoạt), góc cảm giác (hay góc luyện tập giác quan), góc toán, góc ngôn ngữ và góc văn hóa. Kiến thức, kĩ năng của trẻ dần được mở rộng, phát triển hơn khi trẻ làm việc với mỗi giáo cụ trong các góc hoạt động, tạo cơ sở nền tảng giúp trẻ trưởng thành hơn.